TIN TỨC

Cá tra có cơ hội ở các thị trường khác

BY ADMIN
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông trong năm ngoái là 662,5 triệu USD, chiếm tới 33% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Chính vì vậy, cá tra đang là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-2019. Xuất khẩu cá tra qua đường tiểu ngạch gần như không đi đường do Trung Quốc dừng các hoạt động thương mại theo hình thức trao đổi cư dân biên giới để chống dịch. Xuất khẩu qua đường chính ngạch cũng gặp khó khăn. Nhiều cảng biển ở Trung Quốc bị ùn ứ do hoạt động logistics ở nước này bị gián đoạn vì Covid-19, đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra, sang Trung Quốc bằng đường biển. Trên thị trường Trung Quốc, tiêu thụ cá tra cũng giảm nhiều khi hàng loạt nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh, chợ thủy sản… buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài để chống dịch. Nhiều doanh nhân Trung Quốc không thể sang Việt Nam để xúc tiến các hợp đồng mới. Trong tháng 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL đã buộc phải cho công nhân làm việc luân phiên do giảm đơn hàng, hoặc cho công nhân tạm nghỉ việc để phòng chống dịch bệnh. Những yếu tố trên đã khiến cho giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh. Trong tuần cuối cùng của tháng 2, giá cá tra thịt trắng loại 0,7-0,8 kg/con ở Đồng Tháp chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg, giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ 2019. Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang những thị trường khác là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Một trong những thị trường quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới là Mỹ. Năm ngoái, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm rất mạnh, là do trong kho của các nhà nhập khẩu nước này, vẫn còn tồn một lượng cá tra lớn được mua từ 2018. Nhưng đến đầu năm nay, lượng tồn kho này đã hết. Do đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cá tra trong thời gian tới. Cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá da trơn Siluriformes (trong đó có cá tra, basa…) của Việt Nam tương đương với Mỹ. Điều này sẽ giúp cho cá tra Việt Nam tiếp cận với thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác một cách thuận lợi hơn. Với thị trường Trung Quốc, sau khi dịch Covid-19 đã ổn định, chắc chắn sẽ tăng nhập khẩu cá tra trở lại, nhưng lượng nhập khẩu của cả năm nay nhiều khả năng sẽ giảm so với năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm nay, ước tính giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2019. Dịch Covid-19 đang khiến cho hàng loạt nhà máy chế biến cá thịt trắng (cá tuyết, cá haddock, cá minh thái…) ở Trung Quốc phải tạm ngưng hoạt động. Trung Quốc chế biến các loại cá nói trên chủ yếu để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ… Việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng của Trung Quốc phải tạm ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung của cá thịt trắng philê trên thị trường thế giới. Đây là cơ hội để cá tra philê Việt Nam lấp vào chỗ trống này. Đặc biệt, một thị trường lớn ở châu Á mà các doanh nghiệp cá tra đang hướng tới là Ấn Độ. Người dân Ấn Độ không ăn thịt bò, thịt heo, mà sử dụng thịt dê, cừu, gà và thủy sản. Trong mấy năm gần đây, Ấn Độ đã tổ chức nuôi cá tra, với sản lượng hiện đạt khoảng 600 ngàn tấn/năm. Nhưng cá tra nuôi ở Ấn Độ không đạt chất lượng cao vì thịt cá bị vàng. Các nhà máy chế biến ở Ấn Độ vẫn chưa thể chế biến ra được các sản phẩm cá tra philê thịt trắng và đảm bảo ATTP như các nhà máy Việt Nam. Do đó, trên thị trường Ấn Độ, cá tra Việt Nam đang được coi là mặt hàng cao cấp, chuyên tiêu thụ tại các hàng. Mặc dù còn những khó khăn như thuế nhập khẩu cá tra philê vào Ấn Độ còn khá cao (65%), hệ thống kho lạnh còn hạn chế đối với hàng đông lạnh, nhưng tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang nước này còn rât lớn. Theo ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), Ấn Độ với thị trường rộng lớn, sức mua lớn là cơ hội tốt để phát triển và mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam trong đó có cá tra, cá basa. (Theo NNVN)