TIN TỨC

Nam Việt khởi công vùng nuôi cá tra công nghệ cao 4.000 tỷ đồng

BY ADMIN

(ĐTTCO) – Sáng nay 8-1, tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc CTCP Nam Việt) tổ chức lễ khởi công dự án “Nuôi trồng thủy sản Công nghệ cao Bình Phú”.

Nam Việt khởi công dự án nuôi cá tra công nghệ cao lớn nhất ĐBSCL và cả nước…

Nam Việt khởi công dự án nuôi cá tra công nghệ cao lớn nhất ĐBSCL và cả nước…

Dự án có quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư  4.000 tỷ đồng. Đây được xem là dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung quy mô lớn nhất ở ĐBSCL, cũng như cả nước.
Dự án được chia thành 2 khu: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư  1.000 tỷ đồng; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi cá tra thương phẩm, có diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ở khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, dự kiến mỗi năm sẽ sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của công ty, số còn dư sẽ cung cấp cho người nuôi ĐBSCL với những con giống cá tra khỏe, sạch bệnh, góp phần giúp người dân nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với khu nuôi cá tra thương phẩm, khi đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu…
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc CTCP Nam Việt cho biết: “Dự án được đầu tư trang thiết bị với công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Công ty sẽ sử dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture (đây là 2 phát minh của Nhật Bản) để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững của doanh nghiệp”.
Thông qua dự án này, Nam Việt sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu; qua đó gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm phi lê của công ty tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu về lợi nhuận nhiều hơn…
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận: “Cá tra là thế mạnh của tỉnh trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp đầu tư 4.000 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi công nghệ cao, quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Một dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Nam Việt; đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu về nhập khẩu cá tra chất lượng của nhiều thị trường trên thế giới. Tỉnh An Giang đánh giá cao dự án này và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, năm 2018 xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, đóng góp lớn vào kim ngạch chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cái khó của cá tra là thiếu con giống và nguồn nguyên liệu chất lượng. Do đó, Công ty Nam Việt đầu tư dự án nuôi cá tra công nghệ cao quy mô lớn là rất đáng hoan nghênh. Dự án nhằm nâng cao chất lượng cá tra, nâng cao tính cạnh tranh, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và những rào cản thương mại của các nước…
Hiện tại, Nam Việt hiện là 1 trong 5 doanh nghiệp dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam; công ty đóng góp đến 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam ra nhiều thị trường trên thế giới. Hiện Nam Việt đã có vùng nuôi 300ha mặt nước, có 1 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản viên nổi, 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Năm 2015, Nam Việt đã hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Nam Việt đạt khoảng 150 triệu USD; lợi nhuận sau thuế trên 600 tỷ đồng…  Nam Việt có thị trường xuất khẩu trên khắp các châu lục, trong đó chủ yếu các thị trường ở Nam Mỹ, Trung Đông, châu Âu, châu Á…
“Với việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú, khi đi vào hoạch động sẽ góp phần giúp Nam Việt chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, với chi phí thấp nhất và sẽ gia tăng mạnh về lợi nhuận. Dự kiến, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt đạt khoảng 250 – 300 triệu USD, nhờ giữ vững thị phần ở các thị trường hiện có, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng nhiều thị trường tiềm năng”- ông Doãn Tới tiết lộ.

HUỲNH LỢI